Miền Bắc ăn hỏi thế nào?

15/06/2021, Drosie Fine Jewelry

Vậy là ngày cả hai lên kế hoạch cho công cuộc ăn hỏi cũng đã đến. Cần chuẩn bị gì cho lễ rước dâu tại miền Bắc? Hãy cùng D’Rosie khám phá nhé.

Lễ ăn hỏi ở miền Bắc (hay còn gọi là lễ đính hôn ở miền Nam) là thông báo dựng vợ gả chồng của đàng trai, đàng gái. Đây là buổi lễ đánh dấu người phụ nữ đã được gia đình đồng ý gả đi, và chặng đường đưa nàng về dinh của đàng trai cũng xem như đã thành công một nửa. Một lễ ăn hỏi thông thường có các bước:

Chuẩn bị

Xem ngày lành tháng tốt


Việt Nam từ lâu đã quan trọng phong thủy. Dù là xem ngày tân gia, tuổi đạp đất hay chuyện dựng vợ gả chồng cũng cần chọn ngày khởi sự. Thông thường, ngày lành tháng tốt cho lễ ăn hỏi và lễ kết hôn đã được hai nhà định trước vào ngày diễn ra lễ dạm ngõ - nhà trai đến xin hỏi cưới nhà gái. Nếu lễ dạm ngõ được tổ chức cùng lúc với lễ ăn hỏi, việc định ngày sẽ được thống nhất từ trước.

Tráp (mâm quả)

Ở Miền Bắc, tráp thường được quy định là số lẻ như 3, 5, 7, 9, 11. Thông thường, lượng tráp cho các lễ ăn hỏi từ trung lưu đến thượng lưu sẽ từ 9-11 hoặc nhiều hơn. 9 là con số vẹn tròn, thể hiện sự viên mãn trong phong thủy. Nhiều nhà trai cũng trung thành với con số 9 khi chuẩn bị mâm quả.
Dàn bê tráp và dàn nhận tráp cũng cần được lên kế hoạch từ trước. Một số cặp đôi thuê người bê tráp, nhận tráp, một số nhờ bạn bè thân thiết đến, cũng như một cách chung vui.

Nhà cửa


Vì lễ ăn hỏi sẽ diễn ra chủ yếu ở nhà cô dâu nên việc dọn dẹp vệ sinh, trang trí nhà cửa là cần thiết. Thông thường, nhà cô dâu sẽ tràn ngập trong sắc đỏ biểu thị việc có tin hỉ. Bàn thờ gia tiên cũng được sửa sang cho tươm tất. 

Chi phí


Về nhà trai, điều quan trọng nhất là chuẩn bị kinh phí. Xe đưa rước chú rể, xe đưa rước đàng trai, xe đưa rước chú rể cùng cô dâu cùng chi phí cho tráp cũng cần được chú ý. 

Chi phí mâm quả gồm 9 tráp sơn son thếp vàng có nhiều loại giá thành từ trung bình đến cao cấp, dao động từ 15,000,000-25,000,000VNĐ.

Một xe Mercedes 4 chỗ tầm trung đưa rước chủ rể có thể được thuê từ 5,000,000-8,000,000VNĐ. Tùy vào số lượng mâm quả dự tính mà cần chuẩn bị lượng xe cho phù hợp. Nếu nhà trai muốn đi 9 mâm quả thì cũng cần từ 3-4 xe. Thêm vào đó, còn cần thêm 2-3 xe dành cho họ hàng. Có thể chọn xe 16 chỗ dành cho họ hàng (thuê vào khoảng 3,000,000-5,000,0000) để tiết kiệm chi phí và thời gian.

Trong lễ ăn hỏi thì chi phí dành cho áo quần cũng đáng được cân nhắc. Theo thông thường, cô dâu sẽ mang áo dài, chú rể có thể mang hoặc áo dài hoặc vest. Thời gian gần đây, khi trào lưu phục hồi giá trị văn hóa bùng nổ, nhiều cô dâu cũng chọn cho mình bộ áo Nhật Bình hoặc Giao Lĩnh mang đậm âm hưởng thời đại xưa, còn chú rể cũng sắm sửa một chiếc áo ngũ thân. Lễ ăn hỏi về cơ bản là thông báo nhà gái đã đồng ý gả con, chưa phải lễ thành hôn nên quần áo có thể không cần quá màu sắc, chỉ cần thanh lịch, sang trọng là ổn. Chi phí cho áo dài truyền thống chất liệu gấm, tơ tằm hoặc áo Nhật Bình, Giao Lĩnh may riêng có thể vào 7,000,000-10,000,000VNĐ, chung tầm giá với quần áo của chú rể.

Quần áo của đội ngũ bê tráp, nhận tráp cũng thường được chọn lựa kĩ càng. Trang phục thường là màu nhạt, tối giản để không lấn át cô dâu, chú rể. Chi phí cho trang phục của đội ngũ này có thể là thuê để tiết kiệm chi phí, với giá vào khoảng dưới 500,000VNĐ/người tùy chất liệu, kiểu dáng từ đơn giản đến sang trọng nhất. Nếu muốn đặt may riêng cho từng người, chi phí nên dao động trong khoảng dưới 1,000,000VNĐ/người.

Phong bao lì xì trả duyên để đưa đội ngũ bê tráp có thể tùy vào kinh phí của hai gia đình, thông thường trong tầm dưới 2,000,000VNĐ.

Tổ chức

Giờ lành đã điểm, chú rể cùng đàng trai và họ nhà trai lục tục chuẩn bị lên xe để tiến đến nhà cô dâu.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, mâm quả quan trọng cho một buổi lễ từ 9 mâm gồm các món:
- Trầu cau
- Mâm chè
- Mâm mứt hạt sen
- Mâm rượu thuốc
- Mâm bánh cốm
- Mâm bánh phu thê
- Mâm bánh đậu
- Lẵng hoa kết rồng phượng
- Mâm lợn sữa quay

Dù số lượng mâm quả có lẻ, số lượng lễ trên mâm phải đảm bảo là số chẵn (100) biểu thị sự vẹn tròn, mong một tương lai hoàn mỹ. 

Trưởng đoàn gồm bố mẹ và những họ hàng thân tín nhất của chú rể sẽ đi đầu, sau đó chú rể sẽ cùng đoàn bê tráp đi vào cổng nhà, đưa mâm quả cho đoàn nhận quả của cô dâu. Hoàn thành thủ tục trao-nhận tráp sẽ đến phần đưa phong bao lì xì trả duyên cho đoàn nam, đoàn nữ. Hai họ chào hỏi, trao lễ vật đồng thời thưa chuyện xin nhà gái trao duyên. Nhà trai sẽ có đại diện phát biểu lý do hỏi cưới cô dâu, bên nhà gái cũng sẽ có đại diện tương tự tạ lễ, nói lời đồng ý. Tráp được đặt ngay ngắn trên bàn để bố mẹ cô dâu giở khăn. Khi chú rể được bước vào cổng, nghi thức nói lời chào, xin cưới sẽ đến phần tiếp theo.

Cô dâu sắp gả e ấp trong phòng cùng bộ áo dài, chờ đợi chú rể đến gõ cửa. Khi được chồng sắp cưới bước vào phòng và đón ra nhà chính, hai người sẽ rót trà cho bố mẹ của đối phương.

Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam một phần cũng thể hiện niềm tin với đấng tối cao, niềm tin mình sẽ được phù hộ, được bảo trợ. Vậy nên một ít vật phẩm sẽ được dâng lên bàn thờ gia tiên. Cô dâu chú rể sẽ thắp hương cho cố nhân, mong một lễ cưới hòa hảo, một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.

Hai nhà sẽ có cuộc trò chuyện thân mật, quyết định ngày thành hôn chính thức. Sau đó sẽ đến phần lại quả - phần kết thúc lễ ăn hỏi - khi nhà gái trao trả một phần lễ vật cho nhà trai. 

Cô dâu xem như đã được đồng ý gả đi, được theo chồng lên xe, tạm biệt bố mẹ, như minh chứng cho một tương lai mới mở ra. Một tương lai đầy thử thách nhưng cũng vô số màu sắc đầy rực rỡ.
 

Viết bình luận